MỎ CAO LANH BỊ PHÁ TAN HOANG – KHÔNG THỂ “ÂM THẦM” NẾU KHÔNG CÓ TIẾP TAY!

Tại xã Nhữ Khê (Yên Sơn, Tuyên Quang), một mỏ cao lanh đã ngưng hoạt động từ năm 2022 bất ngờ bị đào bới tan hoang. Không giấy tờ, không báo cáo chính quyền, không trạm cân, không hạ tầng, nhưng xe tải vẫn rầm rập ra vào vận chuyển khoáng sản suốt ngày đêm. Người dân chứng kiến rõ ràng nhưng chính quyền thì “chưa thể xác minh”. Câu hỏi đặt ra: Nếu không có sự tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý, ai dám làm liều như vậy?

Toàn bộ khu vực đồi bị cày xới nham nhở, nước mưa đọng trắng đục, bụi phủ kín mặt đường, ảnh hưởng cả tuyến đường đang thi công nối cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. Hoạt động khai thác trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày, nhưng chính quyền địa phương chỉ “lập biên bản” và “yêu cầu bổ sung hồ sơ”. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phớt lờ, không hợp tác, không cung cấp giấy tờ cần thiết.

Thật khó tin rằng một mỏ rộng hàng héc-ta có thể tái khai thác “âm thầm” mà không ai hay biết. Và càng khó chấp nhận hơn khi sự việc chỉ được biết đến nhờ… người dân phản ánh. Không thể đổ lỗi cho thiếu thông tin, càng không thể viện cớ sáp nhập địa giới để làm mờ trách nhiệm.

Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, mà còn là dấu hiệu cho thấy một cơ chế giám sát quá dễ dãi hoặc có lợi ích ngầm. Nếu không xử lý nghiêm minh, từ doanh nghiệp đến cá nhân liên quan, thì sẽ còn nhiều ngọn đồi khác bị “ăn thịt”, nhiều dòng nước bị nhuộm trắng bùn, và lòng tin của nhân dân sẽ tiếp tục bị bào mòn. 

N.T